Đánh giá an toàn, rủi ro trong thi công, xây dựng tại công trường

Rủi ro là một trong những yếu tố không thể tránh khỏi trong quá trình thi công xây dựng công trình (XDCT). Do đó việc nhận diện được rủi ro sớm, kịp thời và tìm ra được phương án giải quyết rủi ro là vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công của dự án.

Khái niệm rủi ro và quản lý rủi ro trong xây dựng

Có nhiều khái niệm về rủi ro được đề xuất và sử dụng như:

  • Rủi ro là sự bất trắc có thể đo lường được.
  • Rủi ro là hoàn cảnh trong đó một sự kiện xảy ra với một xác suất nhất định hoặc trong trường hợp quy mô của sự kiện đó có một phân phối xác suất.
  • Rủi ro là một tình trạng trong đó các biến cố xảy ra trong tương lai có thể xác định được.
  • Rủi ro là một sự tổng hợp những sự ngẫu nhiên có thể đo lường được bằng xác suất.
  • Theo Viện QLDA (PMI), rủi ro là một sự kiện hay điều kiện chưa chắc chắn mà nếu nó xảy ra, sẽ có ảnh hưởng đến ít nhất một mục tiêu dự án, ví dụ như phạm vi, tiến độ, chi phí và chất lượng. Rủi ro luôn nằm trong tương lai. Một rủi ro có thể có một hoặc nhiều nguyên nhân gây ra và nếu nó xảy ra, cũng có thể gây ra một hoặc nhiều ảnh hưởng. Nguyên nhân gây ra rủi ro có thể là một yêu cầu, giả thiết, ràng buộc hoặc điều kiện mà tạo ra các kết quả tích cực hoặc tiêu cực.

Như vậy, bản chất của rủi ro là không chắc chắn và các khái niệm rủi ro đều nhấn mạnh đến hai khía cạnh là khả năng xảy ra rủi ro và mức độ tác động của rủi ro.

Quản lý rủi ro là một quá trình xác định, đánh giá và xếp hạng các rủi ro có thể xảy ra mà qua đó các biện pháp hữu hiệu và nguồn tài nguyên cần thiết được lựa chọn và áp dụng vào thực tế để hạn chế, theo dõi và kiểm soát các khả năng xuất hiện và hoặc các tác động của các sự kiện không dự báo trước [1].

Mục đích cuối cùng của các quản lý rủi ro là giúp cho các tổ chức, các doanh nghiệp giảm tối đa tác động tiêu cực của rủi ro đối mọi hình thức và làm tăng tối đa những lợi ích của rủi ro.

Phân loại rủi ro

Rủi ro rất đa dạng, phân loại rủi ro là rất cần thiết để nhận biết và quản lý rủi ro một cách có hiệu quả. Hình dưới đây tổng hợp một số cách phân loại rủi ro trong dự án xây dựng theo các góc độ nguồn gây rủi ro, các bên liên quan, các giai đoạn dự án và đối tượng tác động.

Phân loại rủi ro

Phân loại rủi ro
Phân loại rủi ro [2]

Trong giai đoạn thi công XDCT, các rủi ro thường phải xem xét là rủi ro về nguồn vốn cung cấp cho dự án, rủi ro ảnh hưởng đến chi phí dự án, rủi ro ảnh hưởng đến thời gian dự án, rủi ro ảnh hưởng đến chất lượng dự án, rủi ro về an toàn lao động.

Quá trình quản lý rủi ro

Quá trình quản lý rủi ro gồm 3 bước cơ bản là nhận dạng rủi ro, đánh giá rủi ro và kiểm soát rủi ro, được mô tả trong sơ đồ khép kín từ khi bắt đầu dự án đến khi kết thúc hoàn thành các công việc của dự án như sau:

Quá trình quản lý rủi ro trong xây dựng

a. Nhận dạng rủi ro:

Nhận dạng rủi ro là nghiên cứu phát hiện khả năng phát sinh rủi ro, nguyên nhân và hậu quả. Từ đó phân loại rủi ro, lập danh mục rủi ro và thông báo cho các bộ phận liên quan. Một số phương pháp để nhận dạng rủi ro là phương pháp phỏng vấn điều tra, phương pháp chuyên gia, phương pháp đối chiếu so sánh, phương pháp kỹ thuật phân tích biểu đồ…

b. Đánh giá rủi ro:

Đánh giá rủi ro là quá trình phân tích, ước lượng mức độ ảnh hưởng của các yếu tố rủi ro, độ chính xác và biến động của dự báo. Các cách được dùng để đánh giá rủi ro là phương pháp phân tích định tính và phương pháp phân tích định lượng rủi ro.

Phân tích định tính rủi ro là việc mô tả tác động của mỗi loại rủi ro và sắp xếp chúng vào từng nhóm theo các mức độ rủi ro giảm dần từ cao đến thấp. Phân tích định tính rủi ro nhằm đánh giá mức độ rủi ro, là cơ sở cho phân tích định lượng rủi ro và để lập kế hoạch đối phó với rủi ro.

Phân tích định lượng rủi ro là nhằm tính toán xác suất xuất hiện rủi ro và mức độ tác động của nó tới mục tiêu dự án bằng con số cụ thể dựa vào phương pháp xác suất, phương pháp độ nhạy, phương pháp cây quyết định… Phân tích định lượng rủi ro thường đi kèm sau phân tích định tính rủi ro.

c. Kiểm soát rủi ro:

Kiểm soát rủi ro là quá trình thực hiện các biện pháp, công cụ để đối phó, xử lý rủi ro, theo dõi các rủi ro đã được nhận dạng, theo dõi các rủi ro còn tồn tại, nhận dạng rủi ro mới, và đánh giá hiệu quả các quá trình quản lý rủi ro trong suốt dự án.

Các chiến lược cơ bản để đối phó với rủi ro là loại bỏ rủi ro; giảm thiểu rủi ro; chuyển giao rủi ro và chấp nhận rủi ro.

Trên đây mình đã trình bày vấn đề quản lý rủi ro thi công xây dựng công trình, bao hàm các nội dung về khái niệm rủi ro và quản lý rủi ro trong xây dựng, phân loại rủi ro và quá trình quản lý rủi ro.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *